Home » TIẾNG VIỆT

Category Archives: TIẾNG VIỆT

FU Hòa Lạc

Thưa các tiền bối và huynh đệ, với tại hạ, cái duyên đứng trên giảng đường FU Hòa Lạc cũng thật tự nhiên và nhẹ nhàng. Nhân một lần tình cờ xem tin tuyển dụng, tôi khá bất ngờ khi thấy một công ty Hàn Quốc ở Hà Nội chỉ tuyển hảo thủ An toàn thông tin (ATTT) đã tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội hoặc Trường đại học FPT. Khi đó, một suy nghĩ chợt bật ra, vì sẵn có chút “vốn tự có” về ATTT giảng dạy cho doanh nghiệp, nếu mình có thể truyền đạt ít nhiều vốn liếng đó cho các cháu sinh viên thì tâm lực “luyện công” bấy lâu càng thêm hữu dụng. Sau khi kết nối và tìm hiểu thêm, FU tiếp tục có ấn tượng tốt bởi sứ mệnh “mở mang bờ cõi trí tuệ đất nước”. Hoàn thành các thủ tục cần thiết, tôi đến với buổi dạy đầu tiên ở tòa Beta, sinh viên FU lại gây bất ngờ vì rất nhiều “chúng đệ tử” đến lớp với trang phục là cái quần không cần dài 😊. Chúng chú thích thêm là bọn em sẽ còn trình diễn thời trang áo ba lỗ trong học kỳ mùa hè. Thật là khoái hoạt, đã thế hôm sau, thầy sẽ xếp tủ bộ Âu phục để thi triển thân thủ với áo phông, quần jeans và giầy thể thao. Chưa hết, vào ca dạy lúc 12h trưa ở tòa Alpha, thầy trò đang trau dồi “chiêu thức” IT thì bỗng nghe tiếng nhị “dập dìu” nổi lên ở phòng học gần đó. “Cái gì vậy, các em? Đây không phải là phim trường Tiếu ngạo giang hồ đấy chứ?” Chúng cười và còn rút ra cây sáo trong balo để minh họa thêm cho bối cảnh hiện tại. Sau này, nhân dịp sinh nhật FU, nghe các câu chuyện kể về giai đoạn xây dựng ban đầu thì tại hạ hiểu thêm về mục đích của việc giảng dạy đàn bầu, sáo, nhị, v.v. Không chỉ có tiếng nhị sến sẩm lúc chính Ngọ đâu, các GS mới có thể sẽ còn giật mình với kungfu Sư tử hống “hey, hey” của quần hùng Vovinam áo xanh, thấp thoáng vài cao thủ đai vàng và đai đỏ. Chả lẽ giang hồ lại dậy sóng ư? 😊

[Tiếng Việt] Một cách hiểu về danh xưng “sĩ phu Bắc Hà”

Vào thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, nước ta bị chia cắt thành Đàng Trong (Nam Hà) và Đàng Ngoài (Bắc Hà). Khi đó, trong dân gian, danh xưng “sĩ phu Bắc Hà” dùng để chỉ tầng lớp trí thức ở kinh đô Thăng Long (Hà Nội) và các vùng phụ cận như Hà Đông, Kinh Bắc, v.v.. Bên cạnh ý nghĩa định danh cho giới tinh hoa có học vấn, có nhân cách và khí tiết, danh xưng này cũng tạo nên đôi chút lăn tăn về vùng miền. Nhìn lại từ xưa đến nay, người Việt ta, từ Nam ra Bắc, ở trong nước hay ở nước ngoài, đã là hào kiệt tinh anh thì không khác nhau, vì đều là đồng bào. Phải chăng, ở họ đều toát ra cùng một khí chất văn võ song toàn, vừa quật cường, vừa thông tuệ ? Ví như cụ Cao Bá Quát với cái biết: “Chữ Thánh ba bồ, khơi thủy, vần trăng, văn Hán lạc” và cái chí: “Gươm Thân một chiếc, đảo trời, lật đất, chí Quân kinh”. Hoặc như thi sĩ Tản Đà, khi đàm đạo với nhà văn Nguyễn Tuân, cụ nói: ” Văn không có võ thì nhu nhược. Võ không có văn thì võ biền” và như để minh chứng, cụ ngâm một bài thơ rồi rút gươm, mang ra sân, thảo một bài quyền.

[Tiếng Việt] Một cách hiểu về danh xưng “Quan Phụ Mẫu”

Người xưa rất thâm thúy khi gọi quí ngài thừa hành công vụ của chính quyền là “Quan Phụ Mẫu”. Bởi lẽ, trong các mối quan hệ căn bản của xã hội như: mẹ-con, thầy-trò, anh-em, vợ-chồng, chủ-tớ, v.v. thì chỉ có Cha Mẹ, vì đàn con, sẵn sàng hy sinh quyền lợi, không sợ dấn thân vào chốn hiểm nguy, kiên nhẫn với việc dạy bảo, chủ động đứng mũi chịu sào, v.v.. Tệ nhất, có lẽ là “liên danh” chủ-tớ !? (Không liên quan, nhưng theo CSI/FBI, 75% sự cố tấn công mạng là từ bên trong).
Còn bạn, bạn “like” cho ai ? “Quan Phụ Mẫu” hay “Quan Đầy Tớ” ?

Nghĩ về Đức Thánh Trần và phán quyết của PCA

Hôm nay, 12/7/2016, Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) đã bác bỏ yêu sách chủ quyền của TQ trên biển Đông. Đối diện với cái “lưỡi bò” tham lam, hung hăng và bất chấp đạo lý, các thẩm phán – đứng đầu là ngài Thomas A. Mensah, không bị sai khiến bởi thể chế chính trị và ý thức hệ, đã là cánh tay nối dài dũng mãnh của tạo hóa để xác lập sự hài hòa, cân bằng của tự nhiên. Chúng ta cũng mừng cho bên nguyên đơn, đất nước Philippines nhỏ bé, đã khôn ngoan và dũng cảm, thuận theo luật “lớn” để đối phó với kẻ “to xác” chuyên bắt nạt.
Nhìn lại lịch sử 800 năm trước, thời nhà Trần, nước Đại Việt ta khi đó cũng phải đối mặt với đế quốc Nguyên Mông hùng mạnh với vó ngựa dẫm nát đất trời Âu- Á. Trong cuộc chiến lần 2 (1285), trước sự hung hãn của giặc, vua Trần đã dự tính đến phương án “thất bại” để bảo toàn tính mạng cho muôn dân. May thay, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã khẳng khái nói: “Bệ hạ chém đầu tôi trước rồi hãy hàng !” để rồi cùng toàn quân & dân đánh tan giặc Thát, khiến cho Thoát Hoan phải chui ống đồng mà trốn chạy về nước. Ngài Quốc Công Tiết Chế đã dựa vào điều gì để có được lòng tin và sự quyết tâm cao đến vậy ? Chỉ có thể là bậc Thánh nhân, đủ tài trí và uy dũng, mang trách nhiệm độ sinh và hàng phục cái ác, mới có thể hoàn thành được công nghiệp vĩ đại như vậy.
Mong lắm thay, bậc hào kiệt đủ Bi-Trí-Dũng xuất hiện để dẫn dắt quần sinh !

[Tiếng Việt ] Một cách hiểu về nghĩa từ “Thầy giáo”

Với một đất nước, xét về mặt ” nguyên khí quốc gia” thì có 4 trụ cột là: THẦY GIÁO, THẦY CÃI (LUẬT SƯ), THẦY THUỐC (BÁC SĨ) và THẦY TU. Trong đó, THẦY GIÁO có vai trò đặc biệt quan trọng vì là thầy của 3 vị thầy kia :). Ngôn ngữ tiếng Việt cũng có nhiều từ để gọi “ông thầy” này, như:

  • THẦY ĐỒ: từ “đồ” có một nghĩa là ” tô vẽ lại, phỏng theo”. Thầy đồ dạy Nho học chủ yếu dựa trên Tứ thư- Ngũ kinh nên học trò có phần thiếu tính thích ứng và cải cách.
  • LÃO SƯ: đây là bậc thầy có học vấn tinh thông và lão luyện, từng trải về kinh nghiệm thực tế. Bản thân các lão sư là một pho sách đầy đủ và sống động đối với đệ tử.
  • THẦY GIÁO: chữ “giáo” với một hình tượng là vũ khí có đầu nhọn (mũi tên). Vị này chú trọng nhiều đến việc định hướng (mục tiêu) và kích hoạt năng lực của học trò. Do đó, người học có phần thiếu kinh nghiệm thực tế.
  • KỸ SƯ TÂM HỒN: kỹ sư là bậc thầy về chế tác các sản phẩm. ” Ngài ” kỹ sư này nếu thiết kế sai và chế tạo không đúng qui trình thì có thể làm hỏng cả một thế hệ (!?)

Nhận xét về nghề này, bậc thầy danh tiếng là Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm  cũng đã nói ” Chọn đường thanh cao lối dạy học”. Cao quí thay và cũng trọng trách thay !